Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO TẠI VIỆT NAM


KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO VIỆT NAM



Chúa Nhật XXXIII TN B - Kính trọng thể các Thánh tử vì đạo tại Việt Nam
Lời Chúa:  Mt 10,17-22
17 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, 18 và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. 19 Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: 20 vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. 21 Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".

Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận Thánh Ý Chúa để đi rao giảng Tin Mừng, biết cầu nguyện và biết hy sinh cho việc truyền giáo.

NHẤT GIA TAM THÁNH


“Ai tuyên bố nhận Thầy trước  mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố 
nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”
(Mt 10, 32)
THÁNH  ĐAMINH  PHẠM  TRỌNG  KHẢM
Quan   Án  Tử  Đạo  ( 1777 – 1859 )
Đất Quần Cống luôn được mệnh danh “Quan Đồng Thiện như cáy Hoành Nha”. Luôn theo gương Đức Thủy Tổ trong học hành, công danh, khoa bảng. Đến đời cụ Phạm Đức Phiêu và con cháu cũng không ngoại lệ. Cụ rất nổi tiếng là tài cao, đức trọng,gia đình hạnh phúc. Cụ giữ chức Quan Án tỉnh Thiên Trường ngoài ra còn giữ chức Quan Đinh, quan Điền nên dân làng thường gọi cụ là Bá Phiêu (1).
 Ngày 04-8-1777,  gia đình cụ lại đón nhận thêm một niềm vui lớn nữa. Cụ bà hạ sanh một cậu con trai trông khôi ngô tuấn tú, và đặt tên là Đaminh Phạm Trọng Khảm, là con thứ hai trong một gia đình giầu có, danh giá tại làng Quần Cống, Tổng Trà Lũ, Phủ Xuân Trường , Tỉnh Nam Định.
Ngay từ thuở ấu thơ Đaminh Khảm đã được hấp thụ tính nết, đạo đức tốt đẹp của cha mẹ và được cụ Bá Phiêu giáo dục rất cẩn thận. Nhờ có trí thông minh hơn người, nên học kinh sử rất nhanh và chăm chỉ đến nỗi thầy đồ cũng phải ngợi khen.
Càng lớn, Đaminh Khảm càng thêm khôn ngoan, học sâu hiểu rộng. Ba lần thi Hương thì hai lần đỗ thủ khoa, lần thi Đình thì đỗ loại khá và đã được nhà Vua phong làm Án Quan Thiên Trường, khi tuổi đời còn rất trẻ.
Ra làm Quan Án Khảm luôn sống hòa đồng,  mẫu mực, anh minh, xét xử công bằng, nên được vua, quan trong triều kính nể, dân tin yêu, kính phục.
Quan Án Khảm là vị quan thanh liêm, thẳng thắn, trung thực không xu nịnh nên bị các quan trong triều ghen ghét tìm cách hãm hại. Nhà vua  nghe lời nịnh thần nên cắt chức Quan Án tỉnh Thiên Trường, trở về quê sống an nhàn bên gia đình.
Ở gia đình,  Đaminh Khảm là người sống giàu tình nghĩa, đạo đức và nổi tiếng là người con có hiếu. Năm 18 tuổi, vâng lời song thân đã kết hôn với một thiếu nữ đạo hạnh tên là Annê Phượng. Hai vợ chồng sống rất hòa thuận, và đã sanh được năm người con : Hai người con trai và ba người con gái. Đặc biệt đã luôn chú ý chăm lo, giáo dục và khích lệ con cái học hành thành đạt, người con trai út là Phạm Trọng Thìn đã sớm đỗ đạt làm quan Chánh Tổng. Ba người con gái đều đảm đang , nhanh nhẹn, tháo vát.
Ngoài ra cụ Án Khảm còn nhận nuôi dạy và cho ăn học một cháu ruột sớm mồ côi cha (gọi cụ là Chú) sau cũng đỗ đạt làm quan Chánh Tổng. Gia đình cụ luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo : Hạnh phúc – Đạo đức và Thành đạt.
Với lòng đạo đức sẵn có lại luôn sống hòa đồng với mọi người trong làng nên Cụ được bà con trong làng tin yêu, gọi cụ bằng cái tên thân mật là “Cụ Án”. Cụ đã gia nhập Dòng ba Đaminh và được giáo dân trong làng bầu làm Trùm họ, rồi làm Chánh trương hàng xứ, làm Tiên Chỉ của Làng (2)
Giữ chức Tiên Chỉ của làng, Cụ Án luôn nhiệt thành, trách nhiệm mẫu mực và giàu lòng bác ái, luôn yêu thương, giúp đỡ những người nghèo khó cả xác, lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho kẻ nghẻo khó và khích lệ mọi người can đảm trước những bách hại. Gia phả con cháu cụ ghi lại rằng trong bữa ăn “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn”.  Đối với xã hội Cụ luôn khôn khéo tìm cách để các quan xã tạo mọi điều kiện cho các Cha và giáo dân yên tâm tham dự Thánh lễ. Đối với Giáo hội, Cụ Án quan tâm đặc biệt và tích cực, hết lòng với công tác mục vụ trong xứ đạo. Riêng các Thừa sai và Giám Mục lo việc truyền giáo, Cụ giúp đỡ mọi phương diện, nhất là trong những ngày khó khăn cấm đạo, Cụ đón nhận các Giám mục, Linh mục Thừa sai đến trú  ngụ tại nhà Cụ và tìm mọi cách giúp đỡ các Ngài thi hành mục vụ một cách kín đáo và khôn khéo (3).
Cụ có một thú vui là đua diều nên sau những vụ mùa hay những dịp lễ hội lớn trong làng, Cụ hay tổ chức hội đua diều và cho mõ đi rao khắp làng mời gọi dân làng tham gia vui chơi, sau mỗi lần vui chơi Cụ chiêu đãi dân làng một bữa no say. Cụ luôn lấy niềm vui chung của dân làng là niềm vui riêng, ấm no, hạnh phúc của dân làng là niềm vui, hạnh phúc của riêng mình.
Đỉnh điểm bách hại làng ta là từ năm 1856 – 1862. Ngày 10-3-1856 lần đầu tiên Nguyễn Đình Tân đưa quân về làng lục soát, dọa dẫm dân làng với mục đích thăm dò tìm hiểu chức sắc trong làng.
Với tư cách là Tiên chỉ trong làng Cụ rất lo lắng, và đã cho mời các hương cống , chức sắc trong làng lại để bàn cách đối phó.
Trước khi quan, lính từ  Nam Định về làng, Cụ đã họp kích lệ dân làng phải luôn vững đức tin, bền chí trung thành với Chúa. Cụ còn nói thêm :
“Kẻ nào bước qua thập giá chối đạo, sau khi quan về, làng sẽ không nhìn nhận người này khi còn sống cũng như khi chết sẽ không được chôn trong đất thánh của làng”.
Ngày 02-4-1858, được tin Nguyễn Đình Tân đưa quân về làng. Cụ Án giao cho các con tìm chỗ ẩn nấp cho các Cha và Đức Cha Xuyên.                                                            
Quân lính khám xét, bắt bớ các ông trói giam ở nhà thờ, bà  Nhiêu Côn lập mưu đốt nhà thờ để giải cứu các ông.
Sau khi quân lính rút về, bà Nhiêu Côn cải trang đi buôn dâu tằm, tự tay chèo thuyền đưa Đức Cha Xuyên sang Thôn Đông trọ nhà ông hương Kình. Sau đó Ngài sang làng Kiên Lao (quê chồng bà Nhiêu Côn) và bị bắt ở đó.
Ngày 02-6-1858 Nguyễn Đình Tân và đám sai nha lại kéo về  làng. Được tin, trước đó cụ  Án đã cho mõ đi rao :
Ngày 02-6-1858 Nguyễn Đình Tân và đám sai nha lại kéo về  làng. Được tin, trước đó cụ  Án đã cho mõ đi rao :
Quan viên làng nước theo lệnh cụ Án và cụ Lý truyền rằng : Lệnh vua truyền phải thì dân hãy nghe, ai ở nhà phải ra đình trình. Về quan phép của làng thì dân phải giữ, không được quá khóa bỏ đạo, ai không nghe chịu đánh ba roi đuổi ra khỏi làng”.
Cụ Án thừa biết đợt này chúng về là để bắt cụ. Khi cụ tiến vào đình làng, Nguyễn Đình Tân trợn mắt nhìn cụ Án rồi quát :
Hưu quan này rất ngang bướng, bất tuân lệnh vua, chứa chấp Cố tây Đạo trưởng. Ông đem nộp ngay bọn chúng ra đây, nếu không ngày mai tôi sẽ lệnh tịch biên nhà ông và bắt ông đem nộp cho vua”.
Vừa lúc đó quân lính đem ra những đồ thờ phượng, đồ lễ ra trình với quan. Nguyễn Đình Tân quay sang hỏi cụ Án :
Các đồ thờ phượng, áo lễ cho cố Tây mặc, ông cho dân làng giấu, ông còn gì để nói với tôi nữa không ?”
Quan ra lệnh cho dân làng bước qua thập giá, Cụ Án quát to :
 “Kẻ  nào quá khóa, lôi ra khỏi làng, kẻ ấy có chết thì làng không chôn”.
Khi mắt thấy, tai nghe được những lời đó, chúng đã có đủ bằng chứng để bắt cụ Án Khảm cùng với một số người không chịu quá khóa giam vào cũi cho xuống thuyền, thẳng Cát Giang ngược sông Hồng lên tỉnh Thiên Trường. Cùng bị bắt với cụ còn có người cháu là Giuse Phạm Trọng Tả và cụ Lý Lễ .
Lên tới tỉnh Thiên Trường Cụ Án Khảm và các anh hùng đức tin làng Quần Cống rất vui mừng gặp được Đức Cha Sampedro Xuyên bị bắt ở Kiên Lao và giam giữ ở đó. Cụ và mọi người hân hoan kính chào Đức Cha mà không ai sợ hãi các quan. Đức Cha khuyên bảo mọi người hãy can đảm lên và kiên trì tới cùng để được hạnh phúc tử vì đạo. Mọi người bị tống vào nhà giam, chỉ còn một mình Án Khảm được ở lại để đối chất với các quan.
Quan Tổng đốc tỉnh Nam Định hỏi :
Ngươi nói không chứa chấp Đạo Trưởng, sao khi vừa gặp Đạo Trưởng (Giám mục Sampedro Xuyên) các ngươi đã tỏ ra vui mừng, quen biết và cung kính thế ? “.
Cụ Án Khảm trả lời :
Chúng tôi vui mừng vì được gặp lại người Cha chung. Trong đạo chúng tôi, chúng tôi rất kính trọng Đạo Trưởng”.
Sau bảy tháng giam cầm, thuyết phục không thành. Các quan đã quyết định lập án xử giảo. Trước ngày ra pháp trường Cụ đã được Cha Lương và Cha Duyệt (cùng bị giam chung) giải tội và chúc lành cho Cụ.
Ngày 13 tháng 01 năm 1859 Cụ bị giải ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Tuổi cao sức yếu, bị giam cầm khá lâu nên sức khỏe cũng bị kiệt quệ, nhưng Cụ vẫn hiên ngang, không hề run sợ. Cụ quỳ gối đọc kinh tạ ơn Chúa rồi nằm trên chiếc chiếu đã trải sẵn, chân tay bị trói vào cọc, 1ý hình tròng giây vào cổ và kéo mạnh hai đầu cho đến khi tắt thở. Các con của Cụ đứng ngoài chứng kiến đã kêu lên :
Con xin dâng phó dâng linh hồn bố con cho Chúa
 Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm hưởng thọ 83 tuổi.
Sau khi xử giảo 13 – 01 – 1859 (ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Ngọ) ông Đaminh Nhượng đưa xác xuống thuyền chở về nhà Đaminh Trào là con trưởng nam ở họ Khu Cựu, Quần Cống an táng.
Ngày 10 – 01 – 1865 (Ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Tý) Cha Phêrô Trương cho cải táng và an táng trong nền Nhà thờ gian thứ tư đất họ Đức Bà Khu Cựu – Quần Cống.
______________________________________
(1) Thiên Hùng sử.Op.Cit. Trang 32 chép : Thân phụ  Đaminh Khảm là ông Phạm Trí Khiêm – Trong Hạnh tích các Thánh Tử Đạo VN chép : Phạm Trọng Khiêm.
*Chép theo gia phả họ Phạm và họ Tam Thánh. Thân phụ  Thánh  Án Khảm là cụ PHẠM ĐỨC PHIÊU.
(2) Thiên Hùng sử.Op.Cit. Trang 32
(3) Thiên Hùng sử.Op.Cit. Trang 33  

“Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố 
nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”
(Mt 10, 32)

THÁNH  GIUSE  PHẠM  TRỌNG  TẢCai  Tổng  Tử  Đạo   ( 1800 – 1859 )

Giuse Phạm Trọng Tả sanh măm 1800, Thời vua Cảnh Thịnh (1792-1802), tại làng Quần  Cống, Tổng Trà  Lũ, Phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Giuse Tả là con trai của cụ Phạm Đức An là quan Hương Sử ở  Phủ Hiến nay là Hưng Yên, anh ruột cụ Án Khảm. Gia đình cụ Phạm Đức An đang sống an vui hạnh phúc. Đột nhiên cụ ông bị cơn bạo bệnh. Thiên Chúa gọi cụ ra khỏi thế gian về nước  Chúa. Sau đó cụ bà đem con về quê nhờ chú thím nuôi dạy. Cụ Án Khảm đã thay anh nhận nuôi cháu.
Mặc dù cha mất sớm nhưng Giuse Tả được mẹ và chú là cụ  Án  Khảm luôn quan tâm chăm sóc, dạy dỗ chu đáo và lớn lên trong một gia đình nề nếp, đạo đức, với trí thông minh Thiên phú và chăm chỉ học hành nên đã thi đỗ làm quan Chánh Tổng.
Đến tuổi trưởng thành Giuse Tả kết hôn với một thiếu nữ đạo hạnh và sanh được ba người con : Phạm Thị Xuyến, Phạm Thị Thụy và Phạm Thị Bích. Gia đình tràn đầy hạnh phúc. Trong gia đình ông luôn là người chồng, người cha gương mẫu và chu toàn. Đối với giáo hội ông luôn sốt sắng, nhiệt tình làm việc đạo đức và tìm cách giúp đỡ mọi người sống đạo sao cho tốttrong hoàn cảnh khó khăn cấm đạo. Ông còn gia nhập Dòng Ba Đaminh và là thành viên gương mẫu, giữ luật nghiêm túc.
Giuse Tả tính tình lanh lợi, hoạt bát. Ông giữ chức Tổng Quan Binh Đoàn Đông Hưng, nay là Diêm Điền thuộc tỉnh Thái Bình. Ông là quan thanh liêm trong sáng, luôn sống chân tình, cởi mở và giúp đỡ mọi người không mong đền đáp.  Theo gia phả họ Phạm có chép  :   “ Đầy tớ nhà ông rất đông. Chưa Tết ông đã đi thăm từng nhà và cho tiền mừng tuổi rất hậu, số tiền ấy thường gấp đôi số quà họ biếu ông trong năm,tiền thóc gia nhân vay mượn, ông thường cho một nửa,nếutúng quá ông cho luôn.Công nợ của dân trong làng cũng hay được châm chước như thế. Khi bà Cai lên tiếng than vãn, ông trả lời rằng :  “Mình quên nợ người, Chúa tha tội mình.
Từ năm 1856-1862, tình hình bắt đạo ngày một gia tăng và khốc liệt. Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đem 14 chiến thuyền vào bắn phá Đà Nẵng nên vua Tự Đức lại càng lo sợ, phẫn nộ càng ra tay tiêu diệt đạo Gia tô và các Thừa sai ngoại quốc (4). Tuy vậy việc thi hành mạnh tay hay nhẹ tay còn tùy thuộc vào các quan địa phương, nên Đức Cha Xuyên đã gợi ý với cụ Án Khảm ủy thác cho hai ông cựu Chánh Tổng Tả và Chánh Tổng Thìn là hai người tín hữu rất đạo đức và có uy tín làm “sứ giả”.
 Hai ông tới gặp Tổng Đốc Nam Định Nguyễn Đình Tân, xin ông nhẹ tay cho các tín hữu được bình an giữ đạo và xin hứa kêu gọi giáo dân trung thành với đức vua. Cuộc thương lượng đang tiến triển tốt đẹp thì tại làng Cao Xá có một tín hữu bất mãn với chính sách của nhà vua, đã xúi giục dân chúng nổi loạn chống lại các quan. Vì thế Tổng Đốc nổi giận, đổi ý ra lệnh truy lùng bắt hết các Đạo trưởng, Linh mục, Thừa sai và giáo dân (5). Vì có mật báo trong làng có chứa chấp nhiều Đạo trưởng. Quan cho lính về vây làng Quần Cống lục soát.
Ngày 04-6-1858, ông Cai Tả bị bắt cùng với cụ Án Khảm và cụ Lý Lễ. Quan cho đóng cũi đưa xuống thuyền, thẳng Cát Giang ngược sông Hồng lên tỉnh Thiên Trường (Nam Định ngày nay) giam vào ngục thất chờ án. (6)
Trong những ngày tháng bị giam trong ngục, đã nhiều lần phải đối chất với các quan. Bị các quan dụ dỗ, đe dọa,  đánh đập tàn nhẫn, tra tấn kìm kẹp đau đớn nhưng không sao thuyết phục được Ngài bước qua Thập giá.
Một hôm các quan lệnh đưa Ngài ra công đường để khuyên dụ. Quan Chánh Án nói :
 “ Ông đã làm đến chức Chánh Tổng, ông đã được hưởng bao ơn lộc của vua, tại sao bây giờ ông chống lại vua như thế ?
Ngài mạnh dạn trả lời :
Tôi trung thành với vua, không bao giờ chống lại vua, sao các quan lại nói thế?
Quan Chánh Án hỏi lại :
Trung thành với vua, sao không vâng lệnh vua bỏ đạo ?
Ngài trả lời :
Không bỏ đạo, không có nghĩa là chống lại vua, không trung thành với vua
Quan Tổng Đốc nói tiếp :
“ Ông làm việc đã lâu, tôi biết ông là người tốt, ngay thẳng, liêm khiết, nhất là có lòng thương người. Tôi biết rất rõ về ông, tôi không muốn làm án hại ông. Bây giờ ông dẹp bỏ tự ái, dẹp bỏ lòng tin nhẹ dạ của ông, vâng lệnh vua bước qua Thập giá, chúng tôi sẽ tha cho ông về và còn trọng thưởng cho ông nữa, để dân chúng trong Tổng của ông vui mừng vì họ rất quý mến ông “
Ngài từ tốn đáp lại :
“ Bẩm các quan, tôi hết lòng cảm tạ về những lời quan lớn vừa nói với tôi, tôi biết và hiểu như thế. Nhưng tôi không tự ái, nhẹ dạ như quan nói. Tôi xác tín theo đạo. Bây giờ dù phải mất hết mọi sự ở trần gian này thì tôi cũng xin vui lòng chấp nhận, kể cả sự chết. Còn việc bước qua Thập giá theo lệnh của vua, thì nhất định tôi không thể chiều theo ý vua và các quan lớn được. Nếu phải chết, tôi cũng vui lòng chết vì đạo. “
Quan Tổng đốc nói tiếp :
“ Chúng tôi thương giúp ông mà ông không nghe, thì chúng tôi phải làm theo lệnh vua, ông không thể trách chúng tôi “
Ngài trả lời :
“ Bẩm quan lớn, tôi không dám trách các quan lớn. tôi sẽ cầu nguyện cho các quan lớn “
Sau một thời gian giam giữ lâu dài, các quan không thuyết phục được Ngài nên đã làm án xử giảo.
Nhận được án lệnh từ kinh đô gửi về. Ngày 13 tháng 01 năm 1859, ông Giuse Phạm Trọng Tả cùng với cụ Án Khảm, ông Cai Thìn và bảy tín hữu Quần Cống khác bị dẫn ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Định. Các Ngài bình tĩnh, vui tươi, vừa đi vừa đọc kinh ca ngợi Thiên Chúa. Tới nơi các Ngài quỳ gối đọc kinh Tin, Cậy, Mến, kinh ăn năn tội và phó linh hồn :
“ Giêsu, Maria, Giuse chúng con phó linh hồn chúng con trong tay Chúa ! “
Lý hình xô ngửa Ngài trên chiếu rồi trói tay chân vào cọc, tròng giây thừng vào quanh cổ, mỗi đầu hai người chúng kéo xiết cổ Ngài cho đến chết. 
Thánh Giuse Phạm Trọng Tả hưởng dương 59 tuổi
Sau khi xử giảo 13–01–1859 (Ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Ngọ), ông Đaminh Nhượng, Đaminh Xiển đem xác xuống thuyền chở về giao cho gia đình an táng tại họ Khu Cựu, Quần Cống.
Ngày 03 – 01 – 1866 (Ngày 17 tháng Giêng năm Ất Sửu), Cha Phêrô Trương cho cải táng và an táng  trong nền Nhà thờ gian thứ tư họ Đức Bà Khu Cựu – Quần Cống.
________________________________________________           
*Thiên Hùng Sử chép Thánh Giuse Cai Tả là anh em thúc bá với Thánh  Án Khảm và con ông Đaminh Phạm Thăng
* Chứng nhân Đức Kitô  Trang 6 - 7
* Hạnh tích các Thánh Tử đạo VN. Phần II.  (1-10)       
(4) Lịch sử VN. Vua Tự Đức.
(5) Hạnh tích các Thánh Tử đạo VN. Phần II.  (1-10)
(6) Tài liệu học hỏi gương Thánh Nhân. Gx Quần Cống.                     

“Ai tuyên bố nhận Thầy trước  mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố 
nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”
(Mt 10, 32)
THÁNH  LUCA  PHẠM  TRỌNG  THÌN
Cai Tổng  Tử  Đạo  ( 1816 – 1859 )
Luca Phạm Trọng Thìn sanh ngày 17 tháng 10 năm 1816 (Theo bản án của triều đình viết : Phạm Viết Thìn sanh năm 1820) tại làng Quần Cống, tổng Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc Giáo phận Bùi Chu. Là con trai út của cụ Án Khảm và Annê Phượng. Luca Thìn được sanh ra và lớn trong một gia đình gia giáo, khá giả và được giáo dục chu đáo, vốn tính thông minh, lanh lẹ, hoạt bát nên học hành tiếp thu rất nhanh. Sớm tham gia các kỳ thi hương, thi hội. Được triều đình bổ nhiệm làm quan Tổng Cai Binh Đoàn Nam Chấn nay thuộc vùng Thanh Hóa, Ninh Bình.
Đến tuổi trưởng thành Luca Thìn đã kết hôn với Maria Tâm một thiếu nữ hiền lành, đạo hạnh, người cùng làng. Cuộc sống gia đình rất hạnh phúc, và ông bà đã hạ sanh được ba người con : Phạm Đức Chấn, Phạm Đức Tốn và Phạm Thị Ry.
Năm 30 tuổi Luca Thìn đã làm chức Chánh Tổng. Bước chân vào chốn quan trường đúng vào lúc đạo đức xã hội đang suy đồi. Làm quan ở xa quê nhà lại trẻ tuổi khôn khéo, lanh lợi nên rất mau hòa nhập với lối sống phóng túng, xa hoa, đam mê tửu sắc, năm thê bảy thiếp nơi chốn quan trường. “ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng “. Thuở ấu thơ ông Cai Thìn được sống trong một gia đình đạo đức, nề nếp nên bản chất ông rất tốt nhưng cũng không sao tránh khỏi những lỗi lầm đó. Ông đã quen với một người thiếu nữ duyên dáng tên Trung, người làng Trà Lũ và lấy làm vợ bé. Từ cuộc sống tình cảm tội lỗi, việc đạo đức cũng trở nên nguội lạnh, không xưng tội, rước lễ. Người vợ chính thức của ông (Maria Tâm) rất đau khổ, âm thầm cầu nguyện xin Chúa thương cứu giúp ông trở về với Chúa và gia đình. Cụ Án Khảm cũng hết lời khuyên bảo. Ông hứa từ bỏ người vợ không chính thức và sửa chữa những lỗi lầm.
Vào triều đại vua Tự Đức thứ XI, đã ra những sắc chỉ cấm đạo rất ác nghiệt. Tình hình bắt đạo mạnh tay hay nhẹ tay là còn tùy thuộc vào các quan địa phương nên Đức Cha Sampedro Xuyên đã gợi ý với cụ Án Khảm, ủy thác cho hai ông Cai Tả và Cai Thìn đi làm “sứ giả hòa bình” nhưng không thành công, vì có một số giáo dân ở làng Cao Xá nổi loạn chống lại các quan địa phương. Sau đó Nguyễn Đình Tân lại càng gia tăng lùng sục bắt đạo mạnh hơn.
Quay trở lại chốn quan trường, những thú vui xung quanh đã làm ông Cai Thìn không còn quan tâm nhớ đến đến những việc bách đạo, hành hạ dân làng ở quê nhà.
Đã lâu không về quê, quan Chánh Tổng Thìn bỗng dưng thấy nóng lòng như có sư thôi thúc ông về quê thăm gia đình. Về đến làng thấy cảnh tượng hoang tàn, vắng lặng làm cho ông thấy đau lòng. Được anh chị cho biết cha và anh Cai Tả và một số giáo dân đã bị bắt. Bà Nhiêu Côn đưa 35 lạng bạc để dùng đút lót cho quan và nói với ông Cai Thìn :
“ Cậu phải tìm mọi cách để cứu Thầy và anh ra khỏi ngục, kẻo cai ngục đánh chết mất “
Ông Cai Thìn đáp :
“ Riêng về phần Thầy và anh Cai Tả tôi sẽ nói với quan Tổng đốc là được, các anh chị yên tâm “
Đến tỉnh lộ, nơi ông thường lui tới ăn chơi, được chào mời, chèo kéo ngọt ngào của những mỹ nữ, tính phóng đãng, háo sắc, ham ăn chơi nên quan Cai Thìn đã vào luôn Nha lâu, quên luôn việc đi cứu cha và anh. Khi ra đến quán trà tửu, nghe khách đàm tiếu :
“ Hiện nay quan thượng đã tấu sớ vào triều, toàn là án tử những người theo đạo Gia tô, họ đều là người Trà lũ, có cả một ông hưu quan to lắm đã già rồi . . .”
“ Nghe đâu ông ấy trước đây cũng làm quan Án tỉnh này, hình như là Quan  Án Khảm, người làng Quần Cống gì đó. . .”
Lúc này, ông Cai Thìn mới thức tỉnh nhận ra mình thật có lỗi, đã sống buông thả, hưởng thụ xa rời Thiên Chúa, xa rời người thân máu mủ đang chịu đau khổ trong ngục tù  vì đức tin. Ông tức tốc đến gặp quan Tổng đốc với tư cách là quan Chánh Tổng để xin gặp bố và anh. Tổng đốc Nguyễn Đình Tân giật mình hỏi lại quan Chánh Tổng :
“ Vậy ông cũng là người theo đạo Gia tô ? “
Ông Cai Thìn trả lời.    
“ Đúng vậy, thưa quan “
Nguyễn Đình Tân ra lệnh cho ông Cai Thìn :
“ Muốn gặp ông Khảm và ông Tả, trước hết ông phải quá khóa bỏ đạo và khi vào thăm, ông cũng phải khuyên bố và anh bỏ đạo luôn ? “
Ông Cai Thìn đáp lại :
 “ Quan có nể tình thì quan cho tôi gặp bố tôi và anh tôi, còn việc quan bắt bỏ đạo thì tôi không thể “
Thế là quan Cai Thìn bị tống giam vào ngục. Đã ra tòa nhiều lần, quan Tổng đốc khuyên dụ ông bước qua Thập giá sẽ tha cho về, nhưng ông vẫn một mực từ chối, dứt khoát không bao giờ bước qua Thập giá, dù bị tra tấn, kìm kẹp ông cũng không quá khóa, không bỏ đạo. Khuyên dụ không được, quan bắt ông viết ra những suy nghĩ của mình trên giấy để trình vua. Ông đã can đảm viết rành mạnh bản tuyên xưng Đức tin như sau :
“ Tôi Luca Phạm Trọng Thìn là một kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận chịu mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi, dù nhỏ nhất trong đạo tôi thờ. Tôi tin kính và thờ phượng Chúa tôi hết lòng. Dù phải chết tôi cũng không bỏ Chúa tôi. Chính tay tôi viết những điều này. Luca Thìn “
Bị đánh đập, tra tấn, gông cùm đau đớn thân xác trong ngục thất nhưng rất may ông được gặp lại cụ Án Khảm, vui mừng xúc động, ông đã khóc và kể lại những lỗi lầm ông đã mắc phải, xin hứa từ nay quyết tâm từ bỏ. Khi nghe những lời hối lỗi của ông Cai Thìn và những lời khuyên bảo của cụ Án Khảm không ai cầm nổi được nước mắt.
Ở trong ngục thất gần gũi bố là cụ Án Khảm và anh là Cai Tả, thì đức tin của ông càng được nâng lên. Thỉnh thoảng lại có các cha đóng vai ngươi thân đến thăm hỏi động viên, khích lệ và giải tội cho ông, nhờ vậy ông Cai Thìn càng có thêm niềm tin vững mạnh hơn để sẵn sàng chịu đựng được những đau khổ về thể xác.
Thời gian dài trong ngục tù, trải qua bao nhiêu thử thách, các quan thấy không thể thuyết phục được ông Cai Thìn được lâu hơn nữa nên đã ban bố lập án xử giảo kết tội ông chống lại nhà vua, nhưng ông không bằng lòng và nói :
“ Chúng tôi tiếp đón Đạo Trưởng tây phương và theo đạo Gia tô, nhưng không bao giờ chúng tôi chống lại nhà vua “
Quan Tổng đốc nói :
“ Nguyên việc đón tiếp Đạo trưởng tây phương và theo đạo Gia tô đã đáng chết rồi vì vua đã ra lệnh cấm theo đạo này và ngươi đã không bước qua Thập giá “          
Cuối cùng bản án được ghi tội : “ Bất khẳng quá khóa đạo Gia tô “
Nhận được án lệnh từ kinh đô gửi về. Ngày 13 tháng 01 năm 1859, Ngài cùng với cụ Án Khảm và anh là Cai Tả và bảy  người tín hữu Quần Cống được dẫn ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định.Trên đường đi đến pháp trường,các Ngài không hề run sợ mà rất hiên ngang,anh dung luôn miệng đọc kinh, cầu nguyện, ăn năn tội, lòng hân hoan, nét mặt vui tươi,  không ai tỏ vẻ lo sợ trước giờ chết, thà chết chứ không chịu quá khóa và cùng kêu to ba lần tên cực trọng :
“ Giêsu, Maria, Giuse chúng con phó linh hồn chúng con trong tay Chúa ! “
Thánh Luca Phạm Trọng Thìn hưởng dương 43 tuổi
Các Ngài cùng chịu chung một án xử giảo, đội lý hình đẩy Ngài năm ngửa trên chiếu rồi trói chân tay Ngài vào cọc. Bốn tên lính cầm hai đầu giây thừng tròng vào quanh cổ kéo mạnh cho đến khi tắt thở.
 Sau khi xử giảo, Ngày 13 – 01 – 1859 (Ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Ngọ) ông Đaminh Nhượng, Đaminh Quế đem xác xuống thuyền chở về quê nhà giao cho vợ con an táng tại tư thổ họ Khu Cựu, Quần Cống.
Ngày 11 tháng 01 năm 1865 (Ngày 14 tháng Chạp năm Giáp Tý) Cha Phêrô Trương cho cải táng và an táng trong nền Nhà thờ gian thứ tư đất họ Đức Bà Khu Cựu – Quân Cống.
CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Ngoài bảy tín hữu chịu tử đạo chung với ba Thánh, còn rất đông các tín hữu khác cũng chịu tử đạo vào các đợt khác nhau :
·                     Ngày 25 tháng 8 năm 1859
·                     Ngày 15, 26, 28 tháng 4 năm 1860
·                     Ngày 6, 7, 8, 9, 12 và 13 tháng 5 năm 1862
·                     Ngày 6, 8, 9, 10 và 17 tháng 9 năm 1862
Sáu mươi hai (62) vị chứng nhân đức tin của Giáo xứ Quần Cống,  đã  gửi  danh sách sang Bộ Tuyên Thánh (trong đó có sáu (06) vị chưa có tên. Ngoài Ba Thánh, đã có mười hai (12) vị được Bộ Tuyên Thánh ghi vào sổ các Tôi Tớ Chúa, bậc đầu tiên trong tiến trình phong Thánh: Thầy Giuse Mi - Đaminh Huôn - Đaminh Mạnh - Đaminh Khóa Sơn - Giuse Phan - Giuse San - Gioan Tăng - Đaminh Than - Đaminh Tho - Đaminh Trương - Đaminh Nhung và Đaminh Uông.
Năm 1929 nhà thờ Giáo xứ xây mới, Hài cốt các Ngài vẫn an táng trong nhà thờ. Năm 1951 khi được phong Chân phước, hài cốt các Ngài được đặt trên bàn thờ riêng trong nhà thờ và bộ tượng Ba Thánh cũng được tạc thờ đặt tại Thánh đường từ đấy.
Các Ngài khi còn tại thế luôn nêu gương sáng trong đạo đức, thánh thiện, luôn sống có trách nhiệm, và hết lòng phục vụ Giáo hội, dám hy sinh mạng sống vì đức tin,  luôn được giáo dân tin yêu kính phục.
 (7)
Ngày 29 tháng 4 năm 1951,  được Đức Giáo Hoàng Piô XII tôn phong lên hàng Chân PhướcTử đạo
Ngày 19 tháng 6 năm 1988,  Đức Giáo Hoàng Phaolô  II đã tôn phong lên bậc  Hiển Thánh.
ĐẶC BIỆT : 
·                     Thánh Đaminh  PHẠM TRỌNG KHẢM  (Quan Án KHẢM  1777 -1859). (8)
·                     Thánh Giuse  PHẠM TRỌNG TẢ  (Cai Tổng TẢ  1800 - 1859)  là cháu gọi Thánh Án  KHẢM bằng chú.
·                     Thánh Luca  PHẠM  TRỌNG THÌN  (Cai Tổng  THÌN  1816 – 1859) là con út của Thánh Án  KHẢM.
Ba Thánh đều được chung sống trong một gia đình gia giáo, đạo đức và Thánh thiện nên được gọi là “NHẤT GIA TAM THÁNH”.
Đó là Hồng Ân duy nhất trên thế giới mà Thiên Chúa đã ban riêng cho dòng tộc và giáo dân giáo xứ Quần Cống đã có ba vị Thánh Tử đạo và góp thêm dấu son vào trang sử của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng và cho Giáo Hội Công Giáo trên toàn Thế giới nói chung.
 “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 4,10)
KẾT THÚC SAU NHỮNG NĂM CẤM ĐẠO
Trong Hiệp ước năm 1862, vua Tự Đức ký kết với Pháp, khoản hai có nói đến việc tự do tín ngưỡng. Nhân ngày sinh nhật, Tự Đức tuyên bố ân xá cho các tù nhân, trong đó có người Công giáo cũng được tha, riêng những chức dịch và thanh niên chỉ phóng thích những người đã xuất giáo hay đã quá khóa, đó chỉ là hình thức mà Tự Đức không muốn làm. Nhưng nhờ sự can thiệp tích cực của Cha Đặng Đức Tuấn buộc Tự Đức phải tha hết.
Giáo phận Trung Đàng Ngoài gồm các Tỉnh Nam Định - Hưng Yên. Từ khi Giám Mục Ochoa Vinh Tử đạo, Giáo phận không có Giám Mục. Đến năm1865 Tòa Thánh mới ban sắc dụ truyền chức Giám Mục cho thừa sai Cézon để cai quản Giáo phận.
Năm 1868, Tình hình căng thẳng, Giám Mục Barnabé Garcia Cézon Khang Giáo phận Trung Đàng Ngoài sợ lệnh cấm đạo có thể truyền ra nên cấp tốc truyền chức cho Cha Emmanuel Riano Hòa làm Giám Mục Phó. 
Vì lệnh bách đạo những năm trước ở Nam Định rất nghiêm ngặt, nên đã có hơn 4.800 người bị giết hại. Mặc dù đã được tự do tín ngưỡng theo Hiệp ước nhưng Tự Đức cũng tìm đủ mọi cách để cấm đạo dưới nhiều hình thức khác nhau tuy không gắt gao nhưng rất tinh vi để hạn chế và kiểm soát người Công giáo, nên cuộc sống của họ còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào năm 1868 bị hạn hán, mất mùa, dịch bệnh tràn lan khiến nhiều người chết đói, thiếu ăn.
Cuộc cấm đạo Công giáo kéo dài hơn 300 năm. Từ đời Chúa Trịnh  đến đời Tự Đức, Văn Thân, Cần Vương. Có hơn 130.000 người Công giáo chết vì đức tin, trong đó có 200 Linh mục (150 Linh mục người Việt), 270 chị em dòng Mến Thánh Giá , 340 Thầy giảng . Ngoài ra khoảng 3.000 họ đạo bị đốt phá, cướp bóc
Trong số 130.000 người chết vì đức tin, 117 vị đã được Giáo Hội  phong Hiển Thánh và 01 vị chân phúc  là Anrê  Phú Yên :
-          11 vị là người Tây Ban Nha : 6 giám mục và 5 linh mục thuộc dòng Đaminh.
-          10 vị là người Pháp : 2 giám mục và 8 linh mục hội Thừa sai Paris.
-     96 vị là người Việt Nam : 37 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân.
Riêng Giáo phận Bùi Chu có 26 vị Hiển Thánh sinh quán tại Bùi Chu, 18 vị Hiển Thánh phục vụ tại Bùi Chu. Trong đó Giáo xứ Quần Cống có 3 vị Hiển Thánh cùng trong một gia đình.
117 vị Thánh đã phải chịu các khổ hình khác nhau :
-          76 vị bị xứ trảm quyết (chém đầu).
-          21 vị bị xử giảo (giây thừng thắt cổ kéo hai đầu cho đến chết) trong đó có 3 vị Thánh Quần Cống.
-          9 vị bị tra tấn và chết rũ tù.
-          6 vị bị thiêu sống.
-          5 vị bị lăng trì (xẻo từng miếng thịt, phân từng mảnh)

__________________________                                      
-          * Chứng nhân Đức Kitô  Trang 11 – 12 - 15 – 16
-          * Hạnh tích các Thánh Tử đạo VN và Tài liệu học hỏi gương Thánh nhân Gx Quần Cống.
-          * Tài  liệu học hỏi gương Thánh  nhân. Gx Quần Cống.
-        (7) Chứng nhân Đức Kitô của Lm Vic. Nguyễn Tốt Nghiệp (Tài liệu người làm chứng Tử đạo và cải táng viết trên giấy rơm được ghi chép lại)
-     (8) ĐNTL – Đ IV K : CBTTD tập 28 trang 410 chép Phạm Viết Khảm  nhưng thân nhân nói là PhạmTrọng Khảm.
-          Tài liệu chính thức không ghi sự liên hệ anh em giữa cụ Phạm Viết Khảm và Giuse Phạm Viết Tả. Nhưng trong Vũ   Thành.Op.Cit Tập III trang 200 - Thiên Hùng Sử.Op.Cit trang 32-34-35 và trong Giòng máu anh hùng Tập 2.Danh sách 117 Thánh Tử Đạo chép  :
-          * Đaminh Phạm Viết Khảm  (1780-1859) sinh tại Quần Cống, Nam Định, Quan Án.                                                          * Luca Phạm Viết Thìn    (1819&1820-1859) con của Thánh Án Khảm,  Chánh Tổng.                                                        * Giuse Phạm Viết Tả (1800-1859) sinh tại Quần Cống, Nam Định, anh em thúc bá với Thánh  Khảm.

-          * TÊN LÓT, LIÊN HỆ GIA ĐÌNH và NĂM SANH Chép theo Gia phả họ Ba Thánh, Gia phả họ Phạm và Tài liệu học hỏi gương Thánh nhân Giáo xứ Quần Cống .

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Con cái đời này & Con cái sự sáng


Con cái đời này & Con cái sự sáng
A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Phong tục Do Thái: đối với dân Do Thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi. Quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.
2. Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh còn bàn cãi nhau về sự “bất lương” này (ăn gian tiền của chủ? cho vay ăn lời cắt cổ? hay là sửa đổi giấy nợ?...).
3. Nhưng điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi người quản gia này là cách xử dụng tiền của: Người quản gia này là “con cái thế gian”, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. “Con cái của sự sáng” phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.


Ở đời, “biết mình biết người trăm trận trăm thắng.” Người quản gia bất lương trong dụ ngôn xưa, hơn ai hết, ông ta biết rõ thực trạng tội lỗi của mình, và biết chắc nguy cơ bị sa thải là không tránh khỏi. Điều hơn người là y dám nhìn thẳng vào sự thật và dùng hết khả năng còn lại của mình để đổi lấy tình thân hữu, dự phòng cho tương lai. Y đã thành công do biết nhìn xa trông rộng.
Ở đây Thiên Chúa không có ý định ủng hộ những hành động mưu lợi bản thân, mà qua đó Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về một chân lý: dự phòng cho tương lai.
Lạy Chúa, xin cho con biết dùng cuộc sống đời này để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Lạy Chúa.  Xin giúp con biết ý thức được việc mình làm và hối cải, để được Chúa tha thứ và đón nhận vào Nước Trời.

Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên
Lời Chúa : Lc 16,1-8
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. 2 Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: "Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa". 3 Người quản lý thầm nghĩ rằng: "Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ". 5 "Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: "Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?" 6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi". 7 Rồi anh hỏi người khác rằng: "Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm giạ lúa miến". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi". 8 "Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".